Bộ đội Việt - Mỹ Đội_Con_Nai_(OSS)

Nhảy dù xuống Tân Trào

Ngày 16 tháng 5 năm 1945, đội SO (Special Operation) số 13, mang bí danh Con Nai, được thành lập dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Allison K. Thomas. Đội Con Nai bao gồm bảy thành viên:

  • Thiếu tá Allison K. Thomas - chỉ huy trưởng
  • Trung úy Rene Defourneux - phó chỉ huy trưởng
  • Thượng sĩ William F. Zielski - điện đài viên
  • Trung sĩ Tham mưu Lawrence R. Vogt - chuyên viên vũ khí
  • Trung sĩ Aaron Squires - chuyên viên vũ khí, nhiếp ảnh gia
  • Binh nhất Henry A. Prunier - thông dịch viên
  • Binh nhất Paul Hoagland - quân y

Nhiệm vụ hàng đầu của Đội Nai là ngăn chặn các tuyến liên lạc của Nhật, đặc biệt là đường sắt và hệ thống đường bộ của Pháp trong khu vực Hà Nội - Nam Ninh. Nhiệm vụ thứ yếu là "hoạt động với du kích quân" và "báo hiệu mục tiêu cho lực lượng không quân." Ngày 16 tháng 7, Thomas nhảy dù xuống khu vực lân cận làng Tân Trào, Kim Lũng cùng hai thành viên đầu tiên của Đội Nai là Binh nhất Henry Prunier và Thượng sĩ William Zielski. Nhảy dù cùng với các thành viên Đội Nai là ba phái viên người Pháp - một sĩ quan cấp Trung úy tên là Montfort, và hai "đại diện" của quân đội Pháp, Trung sĩ Logos, một người Pháp lai Á và Trung sĩ Phác, một người Pháp gốc Việt.[14][15]

OSS ban đầu định để cho Đội Con Nai hành quân trên quãng đường bộ dài 300 dặm (gần 483 km) tới Tân Trào, nơi dự định đặt các trại huấn luyện của Việt Minh. Nhưng phía Trung Quốc cảnh báo OSS rằng quân Nhật đang chờ sẵn ở biên giới để ngăn chặn mọi lực lượng của phía Đồng minh. Vì vậy, thay vì đi bộ, từng thành viên của Đội được vận chuyển bằng máy bay Piper Cub tới thị trấn Po Sah, cách biên giới Việt Trung khoảng 50 dặm (80 km), nơi đóng vai trò đầu mối liên lạc giữa Côn Minh và Tân Trào. Một buổi sáng ngày 16 tháng 7 năm 1945, sáu thành viên Đội Con Nai lên một chiếc máy bay C-47 Dakota, nhưng khi tới nơi viên phi công không thể nhìn thấy những chiếc khăn trắng làm ám hiệu cho biết mặt đất bên dưới là khu vực an toàn. Cuối cùng, Thomas và những thành viên khác đều đánh liều nhảy xuống. Tới mặt đất, trong khi đang thu xếp dù, họ nhìn thấy vài chục người tiến đến, không rõ là người Trung Quốc hay Việt Nam. Đa số là các thiếu niên, ngoại trừ một người thấp hơn, mặc áo vải lanh màu trắng, đi giày đen, đội mũ phớt màu đen, được mọi người gọi là “Anh Văn.” Sau này các thành viên Nhóm Con Nai mới được rằng biết tên thật của ông là Võ Nguyên Giáp.[16]

Đầu tiên chúng tôi đi dưới lối đi có mái vòm bằng tre bên trên có một biển hiệu "Chào mừng những người bạn Mỹ của chúng ta." Sau đó chúng tôi gặp Mr. Ho - nhà lãnh đạo Đảng. Ông đã đón tiếp chúng tôi rất thân mật. Người ta đã mổ một con bò để tỏ lòng trân trọng chúng tôi và tặng cho chúng tôi một thùng bia Hà Nội thu được sau cuộc tấn công bất ngờ vào một đoàn hộ tống Nhật. Chúng tôi đã đánh một giấc ngon lành trong căn lều tiện lợi bằng tre trong khu rừng trên một quả đồi.[17]

Trong khi người Mỹ được đối xử tử tế thì những người Pháp đi cùng đoàn lại không được như vậy. Dù được cảnh báo trước về "mối căm thù của Việt Minh với người Pháp," Thomas vẫn chấp nhận cho người Pháp nhảy dù cùng đội của ông xuống Tân Trào. Khi Đội Nai vừa chạm đất, ba người Pháp đã nhanh chóng bị phát hiện. Montfort bị một cán bộ Việt Minh, người đã phục vụ dưới quyền anh ta trong quân đội thuộc địa Pháp, nhận ra; Phác bị nhận diện trước tiên như một người ủng hộ Pháp và sau đó là "thành viên của một đảng thân Tàu, Việt Nam Quốc dân Đảng." Do đó, khi Thomas, Prunier và Zielski được hộ tống qua lối đi có mái vòm bằng tre thì ba người kia bị Việt Minh quây chặt, buộc Frank Tan phải can thiệp.[18] Tuy Hồ Chí Minh nói thông thạo tiếng Pháp, nhưng ông không chấp nhận nói ngôn ngữ này, thay vào đó chỉ nói chuyện với các thành viên Con Nai bằng Tiếng AnhTiếng Việt. Do Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp tỏ sự không tin tưởng các sĩ quan người Pháp và người Pháp gốc Việt trong nhóm, nên Thomas quyết định cho ba người rời khỏi đội của ông. Ngày 30 tháng 7, Montfort, Phác và Logos rời Tân Trào và trà trộn vào một nhóm người Pháp tị nạn về Tam Đảo để được đưa về Trung Quốc.[19]

Ngày 29 tháng 7, đợt thả quân bổ sung thứ hai được tiến hành, bao gồm Trung úy Rene Defourneux, Trung sĩ Tham mưu Lawrence Vogt, Trung sĩ Aaron Squires, Binh nhất quân y Paul Hoagland. Lần này Hồ Chí Minh không thể có mặt để chào đón họ vì ông đang mắc những căn bệnh nhiệt đới như lỵ và sốt rét, nhưng ông vẫn cố gắng tranh thủ sự kiện họ đến nơi. Nằm trên giường bệnh, ông đề nghị nhân dân địa phương đến khoảng rừng thưa và chờ đợi những người Mỹ "rơi từ trên trời xuống." Khi các thành viên Đội Nai tiếp đất an toàn, họ được Tan, Phelan, Zielski và Võ Nguyên Giáp, chào đón. Không một ai bị thương, và những người Mỹ một lần nữa lại được hộ tống đi trên lối đi dưới mái vòm tre có khẩu hiệu "Chào đón những người bạn Mỹ của chúng ta." Cả đội không được gặp Thomas và Prunier cho tới đêm hôm sau; hai người Mỹ này lúc đó đi trinh sát vị trí phòng thủ của Nhật tại Chợ Chu, nơi Thomas muốn lập kế hoạch tẩn công nhưng chiến tranh đã kết thúc trước khi ông có cơ hội làm điều đó.[20][21][22]

Trong những ngày đầu ở doanh trại, các thành viên mới của Đội Nai đã gặp gỡ nhiều cán bộ Việt Minh và một vài người dân ở khu vực xung quanh. Tuy nhiên, một người đáng quan tâm là Hồ Chí Minh thì lại vắng mặt. Hôm cả đội đổ bộ, Võ Nguyên Giáp đã xin lỗi vì sự vắng mặt của Hồ Chí Minh, ông nói với những người Mỹ mới đến là "chỉ huy" của họ bị ốm. Đến ngày 3 tháng 8, Hồ Chí Minh vẫn không xuất hiện. Một vài thành viên trong đội, gồm Défourneaux và Paul Hoagland, quyết định đi vào ngôi làng gần đó để gặp Hồ Chí Minh và xem ông có cần giúp đỡ gì không. Khác với mô tả của những sĩ quan tình báo Pháp về người đàn ông "tàn nhẫn" và "nguy hiểm," các thành viên Đội Nai rất ngạc nhiên về diện mạo của Hồ Chí Minh. Thay vì một con người gớm guốc, họ chỉ thấy dường như đây là một người ốm yếu, gầy dơ xương đang lơ lửng gần cái chết. Nhờ sự cứu chữa của Hoagland, Hồ Chí Minh đã khỏe lại sau khoảng mười ngày, và có thể đứng lên đi lại bình thường.[23][20][24][22]

Một đội SO thứ hai, mang bí danh Con Mèo (Cat Team), bao gồm ba thành viên: Đại úy Charles M. Holland, Trung sĩ John Burrowes và điện đài viên - Trung sĩ John L. Stoyka. Họ nhảy dù xuống khu trại của Việt Minh tại Tân Trào vào ngày 29 tháng 7 cùng với đợt đổ quân thứ hai của Đội Nai. Do có nhiệm vụ riêng biệt với Đội Con Nai, nên sau cuộc gặp gỡ với các cán bộ Việt Minh, họ lập tức di chuyển vào rừng, lập trại riêng và thực hiện nhiệm vụ của mình.[21] Nhóm Con Mèo bị quân Nhật bắt sống vào giữa tháng 8 năm 1945. Stoyka, vốn là một cựu binh từng hoạt động ở sau phòng tuyến quân đội Đức Quốc Xã tại Pháp, đã trốn thoát được. Những người dân làng Việt Nam đã cứu giúp anh và đưa anh về trại của Đội Con Nai. Holland và Burrowes may mắn sống sót qua chiến tranh và được người Nhật thả tự do tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 8 năm 1945. Tại đó, họ được Hồ Chí Minh đã chào đón nồng nhiệt với tư cách là những người đại diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam.[25]

Huấn luyện bộ đội Việt Minh

Các thành viên Đội Nai đang huấn luyện du kích Việt Minh sử dụng súng M1 Carbine. Đứng xa nhất cởi trần là Trung sĩ Lawrence Vogt, Thiếu tá Allison K. Thomas đeo ống nhòm đứng giữa và Trung úy Rene Defourneux bên phải

Trong sáu ngày đầu tháng 8, Việt Minh và người Mỹ cùng nhau dựng trại huấn luyện. Trong khi người Việt tập trung dựng "những toà nhà thường không nhiều hơn bốn bức tường, một mái tranh và một cái nền," thì người Mỹ tập trung vào nội thất của ngôi nhà mới. Họ làm vội những chiếc giường ngủ, bàn ghế và vách ngăn. Trong vòng một tuần, trại huấn luyện gồm ba doanh trại dành cho bộ đội Việt Minh, một doanh trại dành cho lính OSS, một phòng họp, một nhà bếp, một kho hàng, một trạm xá và trụ sở liên lạc, một trường bắn rộng khoảng 140 mét, và một khu vực huấn luyện ngoài trời. Cuối bãi huấn luyện có một cây cao được dùng làm cột treo cờ Việt Minh. Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn người trong các đơn vị Giải phóng quân để tổ chức một đại đội gọi là Bộ đội Việt - Mỹ. Đơn vị này do Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng, quân số khoảng 110-200 người. Thiếu tá Thomas được coi là Tham mưu trưởng đại đội. Trong thời gian ở tại chiến khu Tân Trào, các thành viên toán Con Nai tập trung huấn luyện cho đại đội Việt - Mỹ sử dụng vũ khí và chiến thuật du kích. Ngoại trừ Zielski làm nhiệm vụ liên lạc điện đài, tất cả các thành viên của Đội Nai đều tham gia huấn luyện cho Việt Minh. Thomas đã mang theo những cuốn giáo trình huấn luyện của quân đội Hoa Kỳ về cách sử dụng vũ khí Mỹ và đợt huấn luyện bắt đầu ngày 9 tháng 8 - ba ngày sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima. Không hề hay biết về sự kiện trên, Đội Nai tiếp tục huấn luyện cho Việt Minh để chuẩn bị cho cuộc chiến chống Nhật. Bộ đội Việt Minh được huấn luyện cách sử dụng súng M1 Garand, M1 Carbine, M1/M1A1 Thompson, súng chống tăng M1 Bazooka, và súng máy các loại. Chương trình huấn luyện gồm phép đạc tam giác, tập bắn, vệ sinh vũ khí, và cách sử dụng súng cối và lựu đạn. Việc tập luyện tương đối căng thẳng từ ngày 9 cho đến 15 tháng 8, từ 05:30 đến 17:00.[26][27][28][29]

Binh nhất Paul Hoagland (quần dài đen) hướng dẫn du kích Việt Minh cách sử dụng súng M1 Carbine gắn ống phóng lựu M8

Từ ngày 10 tháng 8, ba chuyến máy bay vận tải C-47 Dakota đã thả nhiều loại vũ khí, trang thiết bị và đồ y tế cho lực lượng tại Tân Trào. Ước tính người Mỹ đã thả một khẩu đại liên, hai súng cối 60 mm, bốn súng chống tăng M1 Bazooka, tám súng máy Bren, 20 tiểu liên Thompson, 60 súng M1 Garand và 60 súng M1 Carbine, 20 súng ngắn Colt, một số ống nhòm và các tài liệu huấn luyện của Lục quân Hoa Kỳ về chiến tranh du kích. Ngoài ra còn một số vũ khí được đưa vào bằng đường bộ cùng Frankie Tan và Mac Shin trước đó. Tổng thời gian nhóm OSS dành để huấn luyện người Việt chỉ kéo dài ít tuần trong tháng 7 và tháng 8. Ngoài Võ Nguyên Giáp, nhóm còn huấn luyện kĩ năng chỉ huy cho ít nhất hai chỉ huy quân sự cấp cao khác, trong đó có Đàm Quang Trung, Hoàng Văn TháiVũ Lập. Trang thiết bị được thả dù xuống Việt Bắc vào ba vị trí thả đồ tiếp tế của Đội Nai, kết hợp với những loại vũ khí nhẹ do Việt Minh chế tạo tại những nhà máy quân khí đơn sơ của họ trong rừng đã tạo thành một đội quân được trang bị vũ khí đầy đủ, "đủ để gây ấn tượng cho những người dân nông thôn." Võ Nguyên Giáp nhớ lại: "nhìn thấy nhóm quân mới đứng trong hàng ngũ chỉnh tề và được trang bị súng trường mới cùng lưới lê sáng loáng khiển chúng tôi phấn khởi và tin tưởng." Henry Prunier đã nhận xét “Đây là một nhóm được tinh tuyển từ nhiều nơi khác nhau tại Việt Nam. Họ hoàn toàn không phải là những người nông dân tầm thường."[3][30][31][29]

Trong khi Thomas đề nghị huấn luyện binh lính tại khu căn cứ và sau đó, "khi họ đã thành thạo" thì tấn công Nhật tại những khu vực nguy hiểm hơn gần Thái NguyênLạng Sơn, thì Trung úy Défourneaux không đồng ý với bản chất của cả huấn luyện lẫn giả thuyết huấn luyện Việt Minh tổng thể,

Chúng tôi đang huấn luyện tân binh cho cuộc chiến tranh thông thường trong khi dự tính các hoạt động du kích. Nhân tố quan trọng nhất đối với một hoạt động du kích thành công là sự hiểu biết địa hình. Điều này chắc chắn không có trong phạm vi chuyên môn của chúng tôi. Những người mà chúng tôi đang huấn luyện có thể hoạt động khắp Đông Dương mà không sơ bị phát hiện như những người không phải là dân bản xứ. Là người phương Tây, chúng tôi không có cách nào thuyết phục người dân địa phương cầm lấy vũ khí và chống lại thế lực xâm lược... Tất cả những gì cần từ chúng ta là vũ khí, và huấn luyện cách sử dụng những loại vũ khí này..[32]

Mặc dù còn nhiều nghi ngờ về Việt Minh, nhưng Défourneaux vẫn khẳng định rằng họ là những học viên quân sự giỏi và Hồ Chí Minh cũng là một "người tài ăn nói, có phạm vi hiểu biết rộng." Hồ Chí Minh đã nói với Défourneaux rằng ông sẽ chấp nhận một "thời kỳ quá độ, trong đó Pháp sẽ hướng dẫn và cuối cùng sẽ chuyển giao trách nhiệm điều hành cho những người Đông Dương được lựa chọn."[33]

Tổng khởi nghĩa tháng Tám

Bài chi tiết: Cách mạng Tháng Tám

Đánh chiếm thị xã Thái Nguyên

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, năm ngày sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nagasaki, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lực lượng Đồng Minh. Một ngày sau, Ủy ban khởi nghĩa ra lệnh cho các đơn vị Quân giải phóng tiến công các căn cứ của địch. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.[34]

Thiếu tá Allison Thomas (mặc áo phông trắng, đi giày, đứng thứ hai bên phải) và Chi đội 4 Việt Minh đang tập trung ở thị xã Thái Nguyên để chuẩn bị hành quân về Hà Nội, 27 tháng 8 năm 1945

Lúc 14:00 ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại đội Việt - Mỹ xuất phát từ Tân Trào tiến đánh quân Nhật tại thị xã Thái Nguyên trước khi hành quân về Hà Nội. Ngày 19 tháng 8, Thiếu tá Thomas nhận được một loạt bức điện gửi từ ngày 16, 17 và 18 tháng 8 ra lệnh cho anh không được chấp nhận bất cứ sự đầu hàng nào của Nhật trong khu vực, hoãn lại chuyến đi về Hà Nội cho đến khi có lệnh, giữ lại tất cả các trang thiết bị, để những người Mỹ đi riêng, chỉ cho phép những người Việt dẫn đường được đi cùng, và phải có "biên nhận chính xác" về trang thiết bị đã được cung cấp và phân phát trong suốt khoá huấn luyện. Ngoài ra, Thomas được tham vấn là Đội Nai và Đội Mèo nên tiến về Hà Nội với trang thiết bị của OSS, sau đó chúng sẽ được xe tải đưa trở lại một căn cứ của Mỹ tại Trung Quốc. Còn trang thiết bị hai đội không thể mang theo sẽ "được đi tản bằng đường hàng không" khi có thể. Sáng 19 tháng 8, Thomas không tuân theo ba trong bốn mệnh lệnh đầu tiên: anh vẫn tiếp tục tiến về Hà Nội cùng một đội quân lớn của Việt Minh. Trước đó, ngày 15 tháng 8, sau khi nghe tin về sự đầu hàng của Nhật, Thomas đã chuyển giao phần lớn vũ khí của Mỹ được sử dụng trong khoá huấn luyện cho Đại đội Việt - Mỹ.[35]

Khoảng 04:00 ngày 20 tháng 8, Đội Nai cùng 30 du kích Việt Minh tiếng vào thị xã Thái Nguyên, và những người Mỹ được sắp xếp nghỉ ngơi trong một "nhà an toàn." Thiếu tá Thomas và Võ Nguyên Giáp đi sau và họ đến Thái Nguyên lúc 05:00. Nơi họ dừng chân đầu tiên là Sở Hiến binh Nhật, được đặt tại tòa thị chính của thị xã. Theo đúng quyết định chính sách của Đảng ngày 12 tháng 8 năm 1945, Võ Nguyên Giáp đã gửi một bản tối hậu thư yêu cầu đầu hàng tới quân Nhật, một bản của Võ Nguyên Giáp và một bản tiếng Anh được Thomas ký tên.[3][16][36]

Quân Nhật trong Sở không đầu hàng, và họ dựa vào tường rào vững chắc để chống cự. Khoảng 06:00-06:30 sáng, chiến sự nổ ra giữa quân Nhật và Việt Minh. Thomas liên lạc về nhà an toàn, yêu cầu Défourneaux, Squires và Zielski cùng tham gia hỗ trợ Việt Minh. Cả Squires và Zielski đều lên đường, nhưng Défourneaux thì không vì ông "không muốn dính dáng tới bất kỳ những gì ông ta [Thomas] đang làm." Cuộc đọ súng rời rạc diễn ra suốt cả ngày và tiếp tục vào các ngày 22, 23, 24 và 25 tháng 8. Ngày 22, Défourneaux gửi báo cáo về Bách Sắc,

Chúng tôi đang ở Thái Nguyên. Thiếu tá đang ở vùng ngoại ô. Các đội viên còn lại vẫn ở giữa trung tâm thị xã. Trận chiến giữa Việt Minh và Nhật bắt đầu từ thứ Hai, ngày 20 tháng 8, và vẫn còn tiếp tục. Trên khắp các đường phố, họ đánh nhau cả ngày lẫn đêm.[37]

Ngày 25 tháng 8, trong cuộc tấn công cuối cùng Đàm Quang Trung điều một tổ súng Bazooka do Tiểu đội trưởng Sùng Hải phụ trách đến bắn vỡ một mảng tường nhà. Bộ đội xung phong vào, dùng súng ngắn, lựu đạn tiêu diệt địch, đánh chiếm mục tiêu. Võ Nguyên Giáp, Đàm Quang Trung và Thiếu tá Thomas sau đó trực tiếp đến xem xét tại chỗ sự bố phòng trong ngôi nhà của quân Nhật. Bộ đội Việt Minh thu được nguồn cung cấp thực phẩm và vũ khí đáng kể từ tay quân Nhật, và Thomas đã ghi thành từng khoản có đính kèm vào báo cáo chính thức. Cuối cùng, vào buổi chiều ngày 25, lính Nhật ở Thái Nguyên chấp thuận lệnh ngừng bắn. Sau một ngày nghỉ ngơi, Đội Nai cùng Chi đội 4 Quân giải phóng mới được thành lập hành quân về Hà Nội.[37]

Hà Nội

Thiếu tá Archimedes Patti (trái, đội mũ kepi) - Trưởng Cụm tình báo Đông Dương của Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ, kiêm Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại Hà Nội, và cụ Võ Nguyên Giáp (phải, đội mũ và mặc vest) - Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, trong buổi lễ chào cờ mang tính chất quốc tế đầu tiên tại Hà Nội, sáng 26 tháng 8 năm 1945

Sau khi Việt Minh giành chính quyền tại Hà Nội và nhiều nơi khác, Thủ tướng Đế quốc Việt Nam Trần Trọng KimHuế nộp đơn xin từ chức. Lực lượng quân đội Nhật tại Việt Nam không có phản ứng đáng kể trước những hoạt động của Việt Minh vì lúc này Nhật đã tuyên bố đầu hàng phe Đồng Minh và đang chờ quân Đồng Minh tới giải giáp, mặt khác vua Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim đã từ chối lời đề nghị của Tư lệnh quân đội Nhật về việc đem quân Nhật chống lại Việt Minh. Ngày 22 tháng 8, đại diện Phái đoàn Đồng Minh kiêm Trưởng Phái đoàn Hoa Kỳ tại Hà Nội, Thiếu tá Archimedes Patti cùng các nhân viên OSS bay đến Hà Nội, nơi họ được chính phủ, nhân dân Việt Nam chào đón nồng nhiệt.[38][39] Hà Nội ngập tràn niềm vui cùng những biểu ngữ về độc lập, tự chủ bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp. Sáng ngày 26 tháng 8, Thiếu tá Patti có một buổi gặp gỡ với các đại diện của Việt Minh, trong đó có Võ Nguyên Giáp. Sau cuộc gặp, ông Giáp mời Patti bước ra ngoài sở chỉ huy của Mỹ để nhân dân chào đón. Những người Mỹ quan sát thấy một cuộc diễu binh của dân quân và các đội tự vệ, theo sau là người dân với những áp phích yêu nước viết bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tất cả được một tốp 50 binh sĩ hộ tống. Mặc dù Patti bị ấn tượng bởi cuộc trình diễn này, nhưng đối với người Việt Nam nó còn có ý nghĩa sâu sắc hơn. Theo Patti, Võ Nguyên Giáp đã nói với ông rằng,[40]

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quốc kỳ của chúng tôi xuất hiện trong một nghi lễ quốc tế và quốc ca của chúng tôi vang lên trước thái độ kính trọng của một vị khách nước ngoài. Tôi sẽ nhớ mãi thời khắc này.[41]
Thiếu tá Archimedes PattiVõ Nguyên Giáp trò chuyện tại Hà Nội, 26 tháng 8 năm 1945

Ngày 23 tháng 8, một đoàn nông dân khoảng 100.000 người tuần hành vào Huế cổ vũ thành lập uỷ ban giải phóng Việt Minh. Mặc dù chỉ huy đơn vị đồn trú Nhật tại Huế đã đề nghị bảo vệ nhà vua, nhưng Bảo Đại từ chối đề nghị này. Trước sức ép của nhân dân, Bảo Đại tuyên bố thoái vị, từ bỏ ngai vàng và trở thành công dân Vĩnh Thụy. Ngày 25 tháng 8, hàng ngàn người tụ tập trước cửa Ngọ Môn xem nhà vua đọc Tuyên ngôn Thoái vị. Vua Bảo Đại mong chính phủ mới đối xử ôn hoà với các đảng phái đối lập để họ có thể góp sức kiến thiết quốc gia và để chứng tỏ chính thể mới xây đắp trên sự đoàn kết quốc dân đồng thời tuyên bố "muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị."[42]

Đêm trước ngày độc lập, Thiếu tá Patti gửi một bức điện về Côn Minh để nhắc lại những yêu cầu "không nhiều và đơn giản" của Hồ Chí Minh đối với thế giới bên ngoài: để có được "nền độc lập hạn chế", để được công nhận "tự do thoát khỏi ách cai trị của Pháp", để "sống như các dân tộc tự do trong gia đình các quốc gia", để giao tiếp trực tiếp với thế giới bên ngoài", và để được đi lại đặc biệt là tới nước Mỹ, vì những mục đích giáo dục và Mỹ gửi những chuyên gia kỹ thuật giúp họ thiết lập các ngành công nghiệp ít ỏi mà Đông Dương có tiềm năng khai thác." Patti bổ sung thêm vào báo cáo rằng ngày hôm sau người Việt Nam sẽ kỷ niệm ngày Độc Lập. "Theo những gì tôi thấy, những con người này có ý định nghiêm túc." Patti suy luận, "người Pháp sẽ phải đối phó với họ. Vì vấn đề đó tất cả chúng ta cũng sẽ phải đối phó với họ."[43]

Lễ tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình, 2 tháng 9 năm 1945

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình tại Hà Nội, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trùng với ngày Nhật Bản kí văn kiện đầu hàng phe Đồng Minh trên thiết giáp hạm Missouri. Hồ Chí Minh bắt đầu bài phát biểu với những từ trong Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, chuyển sang Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, và đối chiếu các giá trị của cả hai văn kiện trên ông với những tội ác của thực dân Pháp. Ông chỉ trích Pháp đã đầu hàng Nhật và ca ngợi Việt Minh đã chiến đấu chống Nhật. Ông khẳng định rằng người Việt Nam giành được độc lập không phải nhờ sự ban ơn của Pháp mà bởi đánh bại Nhật và kết luận,

...Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!

Sau khi tiếng vỗ tay lắng xuống, mỗi thành viên trong Chính phủ mới đọc tuyên thệ theo nghi lễ. Sau đó Võ Nguyên Giáp đọc diễn văn trước đám đông về các vấn đề hiện nay của Chính phủ, gồm một kế hoạch cho những cuộc bầu cử và thuế. Ông yêu cầu nước Mỹ và Trung Quốc đặc biệt ủng hộ một đất nước còn non trẻ. "Chúng ta có tình cảm đặc biệt đối với Trung Quốc và Mỹ" ông nói với đám đông. "Mỹ là một đất nước dân chủ, không có tham vọng về lãnh thổ, nhưng đã góp phần đặc biệt đánh bại kẻ thù của chúng ta, phát xít Nhật. Vì thế chúng ta coi Mỹ như người bạn tốt." Khi chuẩn bị kết thúc bài diễn văn, ông nói đến một cái tên mà nhiều nông dân có thể thậm chí không biết nhưng các thính giả quốc tế và có học chắc chắn biết: "Như ngài Roosevelt đã từng nói, áp bức và tàn bạo đã làm cho chúng ta biết ý nghĩa của tự do."[44]

Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các thành viên Đội Nai ở Bắc Bộ Phủ, tháng 9 năm 1945

Buổi lễ có sự góp mặt của Thiếu tá Archimedes Patti và phái đoàn Hoa Kỳ, và họ đeo băng quốc kỳ Hoa Kỳ, ấn định rằng họ là "những người bạn" của nước Việt Nam mới. Khi các nghi lễ kết thúc, Patti và các nhân viên Hoa Kỳ đi cùng chậm rãi rẽ đám đông để về sở chỉ huy của họ tại toà nhà Gautier. Để tránh bất cứ sự đối đầu nào có thể xảy ra giữa "những người Việt đang phấn khích" với "những người Pháp thất vọng", Patti mời những người Mỹ có mặt tại Hà Nội cùng tham gia với đội OSS tổ chức một "lễ kỷ niệm đơn giản sự kiện 4 tháng 7 của Việt Nam không có pháo hoa." Bữa tiệc tại sở chỉ huy OSS khá đông, vì vào ngày 2 tháng 9 số lượng người Mỹ tại Hà Nội đã tăng lên đáng kể.[45][46]Ngày 9 tháng 9, Thiếu tá Thomas và Đội Nai về Hà Nội, và họ được sắp xếp nghỉ ngơi trong những ngôi nhà được Việt Minh chuẩn bị và được phép đi thăm quan Hà Nội. Ngày 9 tháng 9 năm 1945, Đội Con Nai chấm dứt nhiệm vụ ở Hà Nội, được lệnh về nước. Ngày 16 tháng 9, Chuẩn tướng Phillip D. Gallagher, dưới danh nghĩa là cố vấn cho lực lượng quân sự Đồng Minh dẫn đầu bởi đoàn của chính phủ Tưởng Giới Thạch, đã có mặt tại Hà Nội để giúp chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật. Thay vì gặp gỡ với các đại diện của Pháp, ngày 22 tháng 9, Gallagher cùng Patti đến gặp Hồ Chí Minh. Khác với những thông tin Gallagher nhận được khi ở Côn Minh, thì Hồ Chí Minh là một "nhà cách mạng lão luyện và là một tù nhân chính trị nhiều lần, một người cộng sản," và "mong những người An Nam có thể được trao cho độc lập." Dù vậy, Gallagher vẫn tin rằng "chúng ta [người Mỹ] không có tiếng nói gì trong chuyện này."[47]

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một buổi lễ mít tinh cứu đói tổ chức trước Nhà Hát lớn Hà Nội, tháng 9 năm 1945. Từ trái qua phải: Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố, Chuẩn tướng Philip E. Gallagher, Cố vấn Vĩnh Thụy, Hồ Chí Minh, và Cố vấn Ngô Tử Hạ

Trong thời gian phái đoàn Đồng Minh ở Hà Nội, mối quan hệ giữa chính phủ Việt Nam và đoàn của người Pháp, Trung Quốc khá căng thẳng. Hồ Chí Minh đã nhiều lần bày tỏ với Gallagher về một nền độc lập của nước Việt Nam, và mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các nước Đồng Minh như Mỹ, Anh hoặc Liên Xô để giúp Việt Nam tránh khỏi một cuộc chiến với người Pháp.[48] Hồ Chí Minh cố gắng thuyết phục Mỹ tiếp tục chính sách chống thực dân của Mỹ đối với Đông Dương và tìm cách làm Mỹ tin rằng ông không phải là một phái viên của Quốc tế Cộng sản mà là một người Quốc gia - Xã hội mong muốn giải thoát đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang.[49] Thông qua OSS, Hồ Chí Minh gửi một bức điện cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman yêu cầu Mỹ đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Lâm thời đồng thời Mỹ và Chính phủ Lâm thời sẽ có đại diện trong Ủy ban Liên tịch các nước Đồng Minh giải quyết các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Việt Minh hy vọng tranh thủ được sự có mặt của Mỹ trong cuộc thương lượng giữa Trung QuốcPháp về Đông Dương vì hai nước này có thể làm nguy hại đến nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đồng thời khuyến khích các nước Đồng Minh công nhận Chính phủ Lâm thời là đại diện duy nhất và hợp pháp của Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam. Việt Minh lo ngại việc không được các nước Đồng Minh công nhận sẽ làm suy yếu địa vị lãnh đạo của họ và có lợi cho Việt Cách, Việt Quốc trong việc thành lập chính phủ của các lực lượng này.[50] Hồ Chí Minh nói với Thiếu tá Patti, rằng ông theo chủ nghĩa Lenin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và xin gia nhập Đệ Tam Quốc tế vì đây là những cá nhân và tổ chức duy nhất quan tâm đến vấn đề thuộc địa. Ông không thấy có sự lựa chọn nào khác. Nhưng trong nhiều năm sau đó những tổ chức này cũng không có hành động gì vì nền độc lập của các dân tộc thuộc địa. Trước mắt, ông đặt nhiều tin tưởng vào sự giúp đỡ của Mỹ trước khi có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của Liên Xô. Người Mỹ xem ông là một người quốc tế cộng sản, bù nhìn của Moskva vì ông đã ở Moskva nhiều năm nhưng ông không phải là người cộng sản theo nghĩa Mỹ hiểu mà là nhà cách mạng hoạt động độc lập.[51] Tuy nhiên, Mỹ không đáp lại nguyện vọng của Hồ Chí Minh và đến cuối tháng 9 năm 1946, Mỹ rút tất cả các nhân viên tình báo tại Việt Nam về nước.[52]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đội_Con_Nai_(OSS) http://sknc.qdnd.vn/ho-so-tu-lieu/biet-doi-con-nai... https://www.amazon.com/Operation-Embankment-OSS-Co... https://www.historynet.com/ho-giap-and-oss-agent-h... https://www.historynet.com/how-american-operatives... https://www.cia.gov/readingroom/docs/CIA-RDP90-012... https://www.cia.gov/static/a0c34085dfe487b73cc90c8... https://www.nps.gov/articles/oss-in-action-the-pac... https://www.quansuvn.net/index.php?topic=2619.0 https://archive.org/details/barefeetironwill0000zu... https://archive.org/details/osssecrethistory0000sm...